Có một câu hỏi quen thuộc, thường xuyên được đặt ra là: các cử nhân không thuộc chuyên ngành Kinh doanh (non-business graduates) có thể theo học chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) hay không? Và đã có khá nhiều tranh cãi, quan điểm trái chiều về đề tài rất nóng này. Hãy thử nhìn vào những thực tế đang diễn ra để cùng làm rõ vấn đề:
Thực tế 1: Đa số sinh viên học chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) đều tốt nghiệp từ rất nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau. Kết quả khảo sát từ the Graduate Management Admissions Council (GMAC) cho thấy số lượng học viên chương trình MBA có bằng Cử nhân Kinh doanh chiếm chưa đến 50%. Một phần tư (24%) số học viên tốt nghiệp từ các chuyên ngành về xã hội (Liberal Arts), khối ngành kỹ thuật chiếm khoảng hơn 15%. Điều này cho thấy bằng cấp MBA luôn thu hút được sự quan tâm của đại đa số các sinh viên tốt nghiệp nhờ vào các giá trị, lợi ích to lớn mà nó có thể mang lại.
Thực tế 2: Các trường đào tạo chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) đều xem xét, chấp nhận các hồ sơ nhập học của các ứng viên không thuộc chuyên ngành Quản trị Kinh doanh. Việc không sở hữu tấm bằng Cử nhân Kinh doanh không đồng nghĩa với việc không có hiểu biết, kiến thức về kinh doanh để tham gia khóa học. Kiến thức không chỉ đến từ sách vở trong trường học mà còn thể thu thập từ kinh nghiệm làm việc, hoặc đến từ công việc kinh doanh cá nhân, gia đình cũng như các hoạt động tương tự khác có liên quan. Bộ phận Tuyển sinh của các trường sẽ tiến hành nhiều bước đánh giá tổng thể về kiến thức kinh doanh của ứng viên như xét duyệt hồ sơ, bài kiểm tra năng lực, phỏng vấn trực tiếp, … để đảm bạt đủ điều kiện tham gia chương trình. Một điều quan trọng để ứng viên có thể được chấp thuận là có ước mơ, hoài bão, đam mê về quản lý, phát triển kinh doanh cũng như ý chí quyết tâm cho việc thăng tiến trong sự nghiệp. Đó là yếu tố then chốt cho sự thành công trong quá trình học và cả quá trình làm việc sau này.
Thực tế 3: Rất nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm các ứng viên có bằng cấp MBA nhưng xuất thân từ các khối ngành ngoài kinh doanh. Bằng cấp MBA rất cần thiết và phù hợp cho các vị trí quản lý, đặc biệt là quản lý cấp cao. Trong một tổ chức, ngoài vị trí Tổng Giám đốc Điều hành (CEO) hoặc đứng đầu tổ chức còn có rất nhiều các công viên phụ trách các đơn vị hoặc lĩnh vực chuyên môn khác nhau như Tài chính, Nhân sự, Vận hành, Kỹ thuật, …. Một ứng viên có kiến thức chuyên môn lẫn bằng cấp về quản lý luôn là một sự lựa chọn tối ưu nhất trong con mắt các nhà tuyển dụng, đặc biệt ở những doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Ngoài ra, các tổ chức chuyên ngành như bệnh viên, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, … cũng luôn đặt ra yêu cầu bắt buộc về kiến thức chuyên môn cũng như bằng cấp về quản trị cho những vị trí cấp cao.
Thực tế 4: Hầu hết các sinh viên MBA sau khi tốt nghiệp đều có sự thay đổi, phát triển trong lộ trình nghề nghiệp của mình. Kết quả khảo sát của Hiệp hội MBA Anh Quốc (AMBAs) cho thấy một tỷ lệ lớn, trên 62%, sinh viên MBA sau khi tốt nghiệp đã thay đổi công việc của mình cả ở trong cùng lẫn ở những lãnh vực khác. Và có đến 16% quyết định khởi sự việc kinh doanh của bản thân (start-up enterprise). Điều này đã chứng tỏ giá trị của bằng cấp MBA trong việc hoàn thiện và phát triển bản thân cho người học cũng như nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, đặc biệt cho những cá nhân mang nhiều khát khao và hoài bão. Khi đó, việc sở hữu kiến thức chuyên ngành cụ thể sẽ mang đến những tác động tích cực, tạo them nhiều động lực, cú hích mạnh mẽ để mở rộng cơ hội phát triển.