Anh Quốc và Hoa Kỳ là hai nền giáo dục lâu đời, chất lượng đỉnh cao; đây còn là điểm đến thu hút hàng triệu du học sinh toàn cầu. Mỗi nền giáo dục hàng đầu thế giới này có những thế mạnh của riêng mình. Nền giáo dục Hoa Kỳ luôn được đánh giá là dẫn đầu thế giới về những khám phá Kỹ thuật, Công nghệ, và Y khoa mang tính đột phá cùng với số lượng lớn các trường đại học danh tiếng top 10 của thế giới. Trong khi đó, giáo dục Anh Quốc luôn giữ thế mạnh truyền thống lâu đời trong các lĩnh vực như Giáo dục, Tài chính, Thương mại, Luật pháp, … Thủ đô London, Anh Quốc luôn là điểm đến đứng đầu thu hút các du học sinh từ khắp các quốc gia trên thế giới. Anh Quốc còn là cái nôi đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai của thế giới khi 1/7 các nguyên thủ quốc gia từng du học tại Anh Quốc.
Kế thừa những tinh hoa, lợi điểm kể trên, các chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học của Hoa Kỳ và Anh Quốc đều hội tụ riêng cho mình những thế mạnh đặc sắc. Hãy thử xem xét những yếu tố khác biệt của hai nền giáo dục hàng đầu kể trên trong khuôn khổ chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) – một trong những chương trình đào tạo phổ biến và được ưa chuộng nhất hiện nay.
Khác biệt đầu tiên phải kể ngay đến là thời gian học tập, hoàn thành chương trình. Chương trình MBA Anh Quốc thường chỉ kéo dài trong vòng một năm học (academic year) đối với loại hình đào tạo chính quy (full time). Trong khi đó, các sinh viên phải mất từ 1,5 ~ 2 năm để hoàn thành một chương trình đào tạo MBA của hầu hết các trường đại học Hoa Kỳ. Lẽ dĩ nhiên, thời gian học luôn tỷ lệ thuận với công sức và tiền bạc. Với giá trị bằng cấp đạt được là tương đương nhau, thì yếu tố thời gian này là điều hết sức quan trọng để cân nhắc.
Kế đến là số lượng các môn học. Các chương trình MBA Anh Quốc thường chỉ bao gồm 6 ~ 8 môn học, trong khi đó số lượng môn học của MBA Hoa Kỳ thường trên 10, thậm chí có thể đến 20 môn học khác nhau. Lý giải cho sự khác biệt này nằm ở việc các môn học của chương trình đào tạo Anh Quốc thường mang tính tích hợp nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Các môn học trong chương trình MBA Hoa Kỳ thường đề cập đến một nội dung kiến thức cơ bản, cụ thể, ít mang tính tổng hợp. Trong quá trình người học muốn tìm hiểu về chương trình, số lượng các môn học dễ tạo nên cảm giác, ấn tượng về khối lượng kiến thức mà nó muốn truyền tải. Trong khi thực tế, cho dù số lượng môn học có khác nhau nhưng hầu hết các chương trình đều chứa đựng một khối lượng và nội dung kiến thức tương tự như nhau. Sự khác biệt hoàn toàn nằm ở việc thiết kế cấu trúc chương trình và nội dung giảng dạy.
Hình thức đánh giá thi cử cũng là một điểm khác biệt lớn. Các môn học của giáo dục Anh Quốc nói chung thường áp dụng phương pháp kiểm tra đánh giá toàn diện vào cuối khóa dưới hình thức viết luận (assignment-based assessment). Điều này đòi hỏi sự tự giác và chủ động cao trong việc học. Các môn học của giáo dục Hoa Kỳ lại chú trọng đến việc đánh giá theo quá trình. Phương pháp kiểm tra đánh giá được áp dụng thường rất phong phú, đa dạng: chuyên cần (Attendance), tham gia xây dựng bài (Class Participation), bài tập trên lớp (Case Study), câu hỏi trắc nghiệm (Quizzes), thi cử (Examination), và luận văn (Assignment). Điều này sẽ giúp cho người học phải tập trung, nỗ lực trong suốt toàn bộ quá trình học để đảm bảo kết quả tốt nhất. Mỗi phương pháp đánh giá đều có những ưu nhược điểm riêng. Riêng cách thức đánh giá theo kiểu Anh Quốc sẽ cho phép sự linh hoạt, chủ động cao hơn cho người học hướng đến một sự sắp xếp tối ưu, cân bằng nhất (work-life-study balance).
Theo số liệu của Cục Thống kê Giáo dục (HESA), Anh Quốc, với hơn 200 trường đại học và cao đẳng, hiện đang thu hút 679,970 sinh viên quốc tế. Đây là một con số rất đáng nể, so với 1,057,188 sinh viên quốc tế đang theo học tại hơn 6,000 trường đại học và cao đẳng tại Hoa Kỳ. Chỉ với số lượng cơ sở đào tạo bằng 1/30 Hoa Kỳ nhưng giáo dục Anh Quốc có thể thu hút số lượng hơn ½ tổng số sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ. Điều này rõ ràng cho thấy sức hấp dẫn to lớn của nền giáo dục Anh Quốc trong con mắt giới du học sinh toàn cầu.
Ngoài ra, với sự phát triển vũ bão của chính sách giáo dục xuyên biên giới (Transnational Education) trên quy mô toàn cầu, giáo dục Anh Quốc ngày càng ghi dấu ấn mạnh mẽ, tạo dựng sức ảnh hưởng và lan tỏa rộng khắp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy các trường đại học Anh Quốc chiếm 25% trong tổng số các chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định về sự uy tín và chất lượng giáo dục Anh Quốc được ghi nhận, ủng hộ nhiệt tình tại Việt Nam.