Hầu hết mọi người đều cho rằng nên theo đuổi việc học tập, bổ sung các kỹ năng và kiến thức cần thiết, nâng cao trình độ bản thân khi các điều kiện kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực như đạt mức tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng có một xu hướng học tập, đặc biệt là việc tham gia các khóa học sau đại học đã gia tăng đáng kể ngay cả trong các điều kiện hoàn cảnh kinh tế khó khăn như suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp gia tăng, …
Từ trước đến nay, các học giả và chuyên gia đều thống nhất với nhau rằng sự tăng trưởng kinh tế (Economic Development or GDP Growth) có tác động tích cực đến số lượng sinh viên tham gia các chương trình đào tạo bậc đại học, và cả sau đại học (higher education enrollment). Tăng trưởng kinh tế không chỉ mang đến sự gia tăng thu nhập cá nhân, mà còn là yếu tố quan trọng trong quyết định học tập và dẫn đến việc gia tăng sự đầu tư cho giáo dục của các chính phủ. Những yếu tố này cộng hưởng với nhau làm gia tăng đáng kể số lượng sinh viên đại học.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng cho thấy nhiều phát hiện thú vị. Số liệu nghiên cứu từ Đại học Yale (Hoa Kỳ) đã chỉ ra rằng khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, cứ mỗi phần trăm (%) tỷ lệ thất nghiệp tăng lên sẽ dẫn đến 4.3 phần trăm (%) gia tăng về số sinh viên đăng ký các khóa học sau đại học. Trong đó, tỷ lệ người học là nữ giới cao hơn đáng kể so với nam giới. Một nghiên cứu khác đến từ Đại học Florida Atlantic (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng sinh viên sau đại học đã tăng trưởng hơn 229% trong suốt thời gian suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính. Kết quả khảo sát từ Hiệp hội các Trường Đại học và Cao Đẳng về Nhân sự (CUPA-HR) cũng cho thấy một sự gia tăng đáng kể về số lượng sinh viên đại học ở mọi cấp độ: Cử nhân, Thạc sỹ và Tiến sỹ khi nền kinh tế giảm tốc và đối diện với nguy cơ suy thoái.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra các nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc gia tăng số lượng sinh viên sau đại học ngay cả khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nguyên nhân đầu tiên lý giải xu thế gia tăng này là sự kỳ vọng của người học về sự thăng tiến trong sự nghiệp và cải thiện về thu nhập trong tương lai. Nền kinh tế luôn vận hành theo những chu kỳ nhất định: liền ngay sau giai đoạn giảm tốc và suy thoái sẽ là sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Khi đó, các cá nhân với bằng cấp và trình độ được rèn luyện, củng cố sẽ có nhiều lợi thế hơn trong các cơ hội nghề nghiệp rộng mở cùng với mức thu nhập hấp dẫn. Bên cạnh đó, các loại chi phí và cơ hội trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái và tình trạng thất nghiệp gia tăng luôn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn kinh tế tăng trưởng và phát triển.
Điều này có nghĩa là với tình trạng việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định hoặc thậm chí thất nghiệp, người lao động sẽ có nhiều động lực hơn trong việc học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng so với những lúc đang còn hăng say trong công việc. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế khó khăn, người học có thể tiếp cận được các ưu đãi liên quan đến tài chính nhiều hơn để hỗ trợ cho việc học tập.
Các kết quả nghiên cứu, khảo sát đến từ thực tiễn nói trên mang đến những thông tin và góc nhìn hữu ích cho việc cân nhắc và quyết định tham gia các khóa học để bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, trau dồi bản thân. Các giá trị to lớn và lợi ích thiết thực của một chương trình đào tạo phổ biến như Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) đã được công nhận và đánh giá cao, trên quy mô toàn cầu. Việc tham gia một chương trình đào tạo như vậy thực sự là một quyết định rất đáng để cân nhắc.